Miss Saigon đi tìm trợ lực
Nếu thành công, sau đợt chào bán hơn 1 triệu cổ phần riêng lẻ (dự kiến kết thúc vào ngày 24.10), Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), với thương hiệu Miss Saigon, sẽ có thêm 2 cổ đông mới là Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) và ông Ngô Hùng Dũng. HSC ước chi ra tối thiểu 17 tỉ đồng để nắm gần 9% vốn điều lệ tại SCC.
Đây sẽ là sự kiện đặc biệt, vì SCC chưa từng mời gọi một tổ chức tài chính nào trong vai trò cổ đông lớn. Trước đây, theo bản cáo bạch, cổ đông lớn ở SCC gồm Satra, Nguyễn Kim Thoa (nắm 15% vốn điều lệ), Lý Nguyễn Lan Phương (7,65%), Huỳnh Khôn (6,55%), Lee Juay Meng (Singapore, nắm 7,22%). Tháng 11 năm ngoái, Satra đã đấu giá, thoái toàn bộ 7,3% vốn khỏi SCC.
Bây giờ, sự hiện diện của HSC được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới vào SCC. Căn cứ các tiêu chí chọn lựa nhà đầu tư, như năng lực tài chính dồi dào, kế hoạch đầu tư dài hạn, hỗ trợ SCC về mặt quản trị, tài chính, thị trường, công nghệ; có khả năng truyền thông, quảng bá thương hiệu, rõ ràng, SCC trông đợi vào sự trợ giúp từ cổ đông lớn, không chỉ là góp vốn.
Trước mắt, SCC dự kiến dùng số tiền thu được, gần 22 tỉ đồng để đầu tư vào máy móc thiết bị, nâng cấp nhà xưởng và phát triển hệ thống gồm 10 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
Lâu dài hơn, theo các tài liệu công bố, SCC cần các cổ đông lớn đồng hành trong nhiều chiến lược chuyển đổi. Phía HSC chưa tiết lộ chi tiết thương vụ cũng như những hỗ trợ, can thiệp ở SCC. Theo lý giải của lãnh đạo Công ty, đây là nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) của HSC và giữa đôi bên đã có những cam kết bảo mật về thông tin thương vụ.
Mỹ phẩm Sài Gòn là công ty vang danh một thời, tiền thân là hãng nước hoa Immorter trước năm 1975. Sau đó, Công ty được chuyển giao, trải qua nhiều thay đổi và trở thành doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Sở Công Thương TP.HCM. Đến nay, SCC đã cổ phần hóa, đạt vốn điều lệ gần 80,6 tỉ đồng. Quy mô vốn này sẽ còn tăng sau phiên phát hành riêng lẻ và do SCC dự tính phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên vào năm 2019.
SCC rất cần gia tăng quy mô và năng lực tài chính để củng cố vị thế của mình. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm, Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam, thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 2 con số.
Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường có thể đạt mốc 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, như lo ngại của SCC, có đến 90% thị trường mỹ phẩm Việt Nam nằm trong tay các công ty nước ngoài. Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong nước còn sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Tất cả những điều này tạo áp lực không nhỏ lên SCC. Trước cuộc đổ bộ của các thương hiệu đình đám như Chanel, Dior, Kenzo, Burberry, Gucci, Versace...
SCC từng chọn cách xuất khẩu là chính, với xuất khẩu thường chiếm 60% tổng doanh thu Công ty trước năm 2006. Nhưng càng về sau, Công ty định hướng quay trở lại thị trường nội địa nhưng ưu tiên phân khúc cao cấp. SCC đã cải tiến sản phẩm, xây dựng hình ảnh Miss Saigon chuyên nghiệp, gia tăng tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ và hợp tác với đơn vị thiết kế ngoại nhằm tạo ra những mẫu mã ấn tượng. Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động gia công cho đối tác nước ngoài, tham gia đầu tư vào bất động sản, phát triển dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Năm 2017, đã có hơn 100 sản phẩm mới như dầu gội, nước rửa tay, nước xịt phòng... đã được SCC tung ra.
Nhờ những thay đổi này, SCC bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Nếu như giai đoạn 2012-2014, SCC tăng trưởng doanh thu trung bình 7%/năm thì sang năm 2015, con số này đã lên đến 50%. Đến năm 2016-2017, loại bỏ yếu tố bất động sản, tăng trưởng doanh thu của SCC tiếp tục ở mức cao 2 con số. Công ty vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu sang gần 20 quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, SCC luôn đối mặt với rủi ro thị trường khi ngày càng có nhiều hãng mỹ phẩm trong nước và quốc tế nhảy vào. Tại Mekong Beauty Show 2018, có đến 110 doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm cơ hội kinh doanh ở thị trường mỹ phẩm Việt Nam.
Một thách thức khác là xu hướng chọn lựa các mỹ phẩm tự nhiên, organic (hữu cơ), thân thiện, an toàn. SCC thừa nhận, muốn tạo mỹ phẩm tự nhiên đủ sức cạnh tranh hàng ngoại, cần nhiều vốn đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng cấp trình độ nhân sự...
Tuy nhiên, với sự tiếp sức của các cổ đông lớn như HSC, SCC có thể gia tăng nội lực và nắm lấy các cơ hội mới, tăng tốc phát triển. Bởi lẽ tiêu dùng mỹ phẩm của người Việt Nam hiện thấp hơn 4-5 lần so với các nước khác trong khu vực; Đặc biệt tầng lớp trung lưu - đối tượng khách hàng tiềm năng của ngành mỹ phẩm - có thể tăng gấp đôi, đạt đến 33 triệu người vào năm 2020.
Sưu Tầm